Bí quyết nấu lẩu mắm ngon, chuẩn vị miền tây tại nhà
5 phút, 25 giây để đọc.

Lẩu mắm từ lâu đã trở thành món ăn đặc trưng của người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ. Lẩu mắm không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn hấp dẫn bởi sự kết hợp của các loại nguyên liệu như tôm, thịt, cá cùng các loại rau của miền sông nước. Nếu như các loại hải sản hay thịt cá cung cấp dồi dào protein cùng các vi chất khác thì rau ăn kèm còn bổ sung các loại vitamin cần thiết tốt cho cơ thể. Tuy nhiên để nấu lẩu mắm ngon không phải ai cũng biết cách, từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm ra nồi nước dùng thơm ngon là nỗi băn khoăn của nhiều người.

Vậy thì bạn hãy dành thời gian tham khảo bài viết này nhé. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nấu lẩu mắm ngon đảm bảo sẽ thành công ngay từ lần đầu tiên.

Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu lẩu mắm

Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu lẩu mắm

  • Xương lợn: 400 gram
  • Mắm cá linh: 200 gram
  • Mắm cá sặc: 100 gram
  • Tôm tươi: 200 gram
  • Cá lóc: 200 gram
  • Mực ống: 200 gram
  • Ba chỉ heo quay: 200 gram
  • Rau nấu lẩu: Cà tím, sả, rau rút, rau muống, bông súng…
  • Gia vị cần có: Đường, bột nêm, muối, bột ngọt…
  • Bún tươi: 1 kg

Các bước nấu lẩu mắm thơm ngon

Bước 1: Chuẩn bị nước lẩu

  • Xương lợn: Rửa sạch xương sau đó chặt thành các miếng vừa ăn. Tiếp đến, bạn đun một nồi nước sôi sau đó cho xương vào chần qua cho hết bọt bẩn. Cuối cùng, bạn đem rửa lại xương một lần nữa rồi cho vào ninh trong khoảng 30 phút.
  • Mắm cá: Cho mắm cá linh và mắm cá sặc vào trong nồi cùng với khoảng 400 ml nước lọc. Đun sôi và khuấy đều để mắm cá mềm ra. Sau khi mắm cá đã tan hết, bạn lọc qua rây để gạn bỏ bã, lấy nước cốt.

Các bước nấu lẩu mắm thơm ngon

Bước 2: Nấu nước dùng 

  • Cà tím: Rửa sạch cà tím rồi cắt thành những miếng vuông vừa ăn. Tiếp đến, bạn cho cà tím vào xào khoảng 5 phút với sả phi thơm. Nêm chút gia vị cho cà tím đậm đà.
  • Nấu nước dùng: Sau khi hầm xương lợn xong, bạn đập dập một cây sả và cho vào ninh thêm khoảng 3 phút nữa. Tiếp đến, bạn vớt xương ra ngoài, giữ lấy nước cốt vừa ninh.
  • Sau khi vớt xương ra ngoài, bạn trút toàn bộ phần cà tím vừa xào + nước cốt mắm cá vào chung. Nêm các loại gia vị bao gồm hạt nêm + bột ngọt + đường cho vừa ăn. Tiếp tục đun sôi nhỏ lửa hỗn hợp trong khoảng 10 phút.

Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu ăn lẩu

  • Cá lóc: Rửa sạch thịt cá lóc với nước muối pha loãng cho hết mùi tanh. Tiếp đến, thái cá lóc thành những miếng mỏng vừa ăn. Ướp cá lóc với một chút sả đập dập và một chút gia vị.
  • Mực ống: Làm sạch mực ống, gỡ bỏ túi mực và loại bỏ mắt. Rửa kỹ mực với dấm và nước muối. Cuối cùng, bạn lau khô mực và thái thành những khoanh vừa ăn.
  • Tôm tươi: Rửa sạch tôm, rút bỏ chỉ đen trên sống lưng và ở bụng tôm. Bạn có thể bóc vỏ tôm hoặc giữ nguyên vỏ tuỳ ý.
  • Các loại rau ăn lẩu: Nhặt sạch, sơ chế các loại rau ăn lẩu bằng cách chẻ nhỏ hoặc ngắt đoạn tuỳ loại. Làm xong, bạn rửa kỹ và ngâm rau với nước muối loãng để đảm bảo không còn trứng giun sán. Vớt rau ra và để vào rổ cho ráo nước sau khi đã ngâm.

Thưởng thức thành quả

Bắc nồi nước lẩu đã hoàn thành và đặt lên bếp gas mini hoặc bếp từ. Dọn ra cùng nồi nước lẩu các nguyên liệu bao gồm cá lóc, tôm, mực, thịt heo quay cùng rau và bún tươi. Khi nồi nước lẩu bắt đầu sôi lại, bạn thả các nguyên liệu trên vào cho tới chín và thưởng thức.

Các bước nấu lẩu mắm thơm ngon

Một số lưu ý khi nấu lẩu mắm bạn cần nắm

  • Lẩu mắm là một món ăn phổ biến, đặc trưng ở miền Tây. Trong món ăn này, nguyên liệu quan trọng nhất chính là mắm cá linh và mắm cá sặc. Vì vậy để có được nồi lẩu mắm ngon, bạn cần mua đúng loại mắm chất lượng, không hư để nấu. Bạn nên chọn mắm cá con nhỏ, không tẩm màu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Bên cạnh nước dùng xương heo hoặc xương gà hầm lấy phần nước lèo để lẩu mắm ngon ngọt bạn có thể sử dụng nước dừa tươi
  • Nếu không thích cá lóc, bạn có thể thay thế bằng cá hú, cá bông lau, cá basa, hay cá điêu hồng đều được.
  • Các loại rau ăn kèm có thể linh hoạt thay đổi tùy khẩu vị và điều kiện của mỗi người.
  • Ngoài bún trắng, bạn có thể sử dụng mì gạo để ăn kèm lẩu mắm. Đây là nguyên liệu rất được thực khách mọi miền yêu thích khi thưởng thức món lẩu mắm miền Tây.
  • Trong suốt quá trình nấu lẩu mắm, bạn cần hết sức chú ý tránh không để nước lẩu bị dàn ra ngoài bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của món ăn. 
  • Các nguyên liệu như: Thịt, cá, tôm tươi ngon và rau sống thanh mát tạo nên một món ăn dân dã, hội đủ hương sắc, đậm chất ẩm thực đất phương Nam.

Một số món lẩu mắm của miền Tây phổ biến

  • Lẩu cá kèo bông điên điển: Với hương thơm từ mắm cùng vị ngọt thịt của cá kèo, điểm tô thêm màu sắc bắt mắt và vị lạ miệng từ bông điên điển, chắc chắn đây là món lẩu hạ gục mọi thực khách.
  • Lẩu mắm cá lóc: Đây là món lẩu rất được người miền Tây ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, trù phú nguyên liệu, hấp dẫn không gì cưỡng lại.

Hy vọng với những chia sẻ về cách nấu lẩu mắm trên đây thì dù không có cơ hội tới với miền Tây, bạn cũng có thể có được một món ăn tuyệt vời tại nhà. Chúc bạn ngon miệng với món lẩu mắm này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *