Thoái hóa khớp là một trong những bệnh phổ biến ở người cao tuổi, những biểu hiện ở bên ngoài như mỏi gối, đau lưng… Các cơn đau dần tăng lên khi đi lại hoặc vận động tuy nhiên cũng sẽ đỡ hơn khi nghỉ ngơi. Hiện tượng thoái hóa khớp thường gặp ở những người từ độ tuổi khoảng 50 trở lên. Và sau độ tuổi này tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao hơn. Thoái hóa khớp thường gặp nhất ở khớp háng, cột sống và đầu gối.
Có nhiều nguyên nhân của căn bệnh này, nhưng chủ yếu là do độ tuổi. Những người già bị thoái hóa khớp thường rất khó khăn trong việc vận động cũng như đi lại, do đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Tất nhiên, việc bị thoái hóa khớp là điều không thể tránh khỏi với người già, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể đề phòng để tránh sự xuất hiện sớm từ chúng. Muốn vậy, cần phải có những chế độ ăn uống và vận động một cách thật cẩn thận. Bài viết sau được tổng hợp những lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Mời các bạn cùng theo dõi.
Thoái hóa khớp ở già – Một tình trạng phổ biến
Nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp ở người già
Tuổi tác là nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa khớp. Thường thì những người bước vào độ tuổi trung niên sẽ phải đối mặt với bệnh thoái hóa khớp. Cụ thể là khoảng từ 50 tuổi trở lên – đây là thời điểm bắt đầu hình thành quá trình lão hóa trong cơ thể.
Khác với hồi trẻ, tốc độ tái tạo và sản sinh các tế bào sụn giảm dần, đồng thời chất lượng sụn khớp cũng không còn như trước. Bên cạnh đó, cơ thể cũng không còn tự tiết ra dịch nhầy để bôi trơn cho các khớp. Qua thời gian, sụn khớp mất tính đàn hồi, bị khô cứng, nứt vỡ và bào mòn, gây đau và khó cử động. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây nên tình trạng thoái hóa khớp ở người cao tuổi đó là:
- Tình trạng béo phì
- Gặp phải chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn trong làm việc/chơi thể thao,…
- Do yếu tố di truyền
- Do hậu quả của các bệnh xương khớp như loãng xương, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp
Triệu chứng thoái hóa khớp ở người già
Khi khớp bị thoái hóa, người già thường dễ nhận biết nhất qua các triệu chứng sau:
- Đau nhức âm ỉ tại các khớp gối, cột sống, khớp cổ,… Khi co duỗi hoặc vào buổi tối thì cơn đau càng rõ rệt hơn. Ngoài ra, tình trạng đau nhức nặng hơn khi giao mùa, đặc biệt vào mùa lạnh.
- Cứng khớp vào buổi sáng, thường là sau khi ngủ dậy. Khi thực hiện động tác co duỗi lúc này trở nên khó khăn. Phải xoa bóp, tập luyện gấp duỗi một lúc thì mới đỡ hơn.
- Nghe thấy tiếng lạo xạo mỗi khi cử động
- Khó khăn khi cử động, điển hình như: đi lại, leo cầu thang, khi đứng lên ngồi xuống,…
Đề phòng biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
Thoái hóa khớp ở người cao tuổi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và dứt điểm thì sẽ có những biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào từng vị trí thoái hóa mà gặp những biến chứng nhất định. Một số biến chứng từ thoái hóa khớp lâu ngày đó là:
- Sưng khớp
- Viêm/đau cơ bắp xung quanh khớp đó
- Biến dạng khớp, trục khớp bị lệch.
Dó đó, nếu gặp các triệu chứng trên cần tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán. Dựa vào kết quả chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Lời khuyên dành cho người cao tuổi bị thoái hóa khớp
Lời khuyên “bắt buộc” ghi nhớ dành cho người cao tuổi
Để hạn chế mức độ nặng do thoái hóa khớp gây nên, người cao tuổi cần ghi nhớ 5 lời khuyên dưới dây:
- Duy trì cân nặng cơ thể ở mức thích hợp. Bởi nếu bị béo phì thì sức nặng cơ thể càng gây áp lực lên các khớp như: khớp đầu gối, khớp háng, khớp bàn chân,…
- Tăng cường vận động, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng. Điều này không chỉ tăng cường sức mạnh cơ bắp, máu được lưu thông dễ dàng mà còn đảm bảo các khớp chuyển động nhịp nhàng.
- Giữ đúng tư thế trong sinh hoạt. Tránh gù lưng hay dồn lực về một phía nào đó, lúc này sẽ bảo vệ các khớp tránh được sự đè ép không cân đối.
- Có sự thay đổi về tư thế khi làm việc, sinh hoạt. Tránh nằm lâu, ngồi lâu, cúi lâu vì có thể gây ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp.
- Không tập luyện, vận động quá sức chỉ vì muốn bệnh nhanh khỏi. Ở người cao tuổi, khớp không đủ khả năng cho các bài tập mạnh hay tập luyện với cường độ lớn. Việc lao vào tập luyện chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
Kết hợp với một số lưu ý khác
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên lưu ý một số điều sau:
- Sử dụng cân bằng giữa các khớp khi bê vác vật nặng. Nếu đồ vật quá nặng, không nên cố gắng bê vì có thể gây ra chấn thương.
- Đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi giữa hoặc sau khi làm việc. Các khớp cần được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, do đó không nên làm việc trong thời gian quá lâu.
- Chú ý những dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất để kịp thời thăm khám.
- Trang bị sẵn các đồ bảo hộ khớp trong khi chơi thể thao để giảm thiểu mức độ chấn thương nếu có.
- Đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè hoặc người qua đường.
Lời kết
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi. Đây là tình trạng tổn thương ở sụn khớp và xương dưới sụn. Nó không chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh mà còn giảm chất lượng cuộc sống đáng kể. Để phòng ngừa biến chứng và bệnh ngay từ đầu.
Trên đây là những lời khuyên quan trọng về vấn đề thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Thay vì chấp nhận và chịu đựng cơn đau khớp, người cao tuổi cần quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Chỉ cần lưu ý những vấn đề rất nhỏ trong sinh hoạt, làm việc hàng ngày, người cao tuổi hoàn toàn có thể hạn chế và ngăn ngừa biến chứng từ thoái hóa khớp.