Bệnh đục thủy tinh thể
7 phút, 27 giây để đọc.

Là một trong những nguyên nhân gây mù lớn nhất Việt Nam và trên thế giới, đục thủy tinh thể khiến cho người bị mắc phải giảm dần thị lực của mình. Qua đó làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc bệnh đục thủy tinh thể. Đặc biệt là đối với những người cao tuổi, bệnh lý này là không thể tránh khỏi.

Đối với những người lớn tuổi, nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh là do lão hóa theo thời gian. Theo các nghiên cứu thì độ tuổi thường mắc bệnh là từ độ tuổi từ 50 trở lên. Và có đến 75% những người mắc bệnh là người già ở Việt Nam. Hiện nay chưa có phương pháp nào phòng tránh được căn bệnh này ở người già, tuy nhiên tùy từng bệnh lý khác nhau mà có thể điều trị được. Mời các bạn theo dõi bài viết sau để có cái nhìn tổng quát về bệnh đục thủy tinh thể ở người già.

Đục thể thủy tinh là gì?

Đục thể thủy tinh là tình trạng thể thủy tinh bị mờ đục làm tán xạ ánh sáng, ngăn không cho hiển thị hình ảnh sắc nét trên võng mạc, kết quả là giảm thị lực. Thể thủy tinh là một cấu trúc trong suốt của nhãn cầu có hình thấu kính hai mặt lồi. Khi mắt hoạt động bình thường, ánh sáng xuyên qua giác mạc và đồng tử tới thể thủy tinh. Thể thủy tinh tập trung ánh sáng lại và cho hình chiếu của vật rõ ràng, sắc nét lên võng mạc, giúp ta nhìn thấy được.

Với công nghệ phát triển như hiện nay bệnh dễ phát hiện, sàng lọc trong cộng đồng và việc theo dõi, điều trị phẫu thuật cũng rất khả thi và sẽ giảm bớt gánh nặng mù loà cho xã hội. Vì một nguyên nhân nào đó, tính trong suốt của thể thủy tinh mất đi và mờ đục dần được gọi là đục thể thủy tinh. Đục thể thủy tinh có thể chia thành 3 nhóm:

  • Đục thể thủy tinh già: Thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, là hậu quả của quá trình lão hóa.
  • Đục thể thủy tinh bẩm sinh: Xuất hiện sớm sau sinh, thường do di truyền hoặc mẹ nhiễm virus khi mang thai.
  • Đục thể thủy tinh ở người trẻ: Thường xảy ra sau một bệnh lý khác ở mắt hoặc toàn thân.

Trong 3 nhóm trên, đục thể thủy tinh già chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Theo thống kê số bệnh lý mắt gây mù ở người trên 50 tuổi tại Việt Nam, đục thể thủy tinh chiếm đến 74%. Đây là một bệnh lý có thể điều trị được, tuy nhiên ở nước ta, vẫn có nhiều rào cản còn tồn tại khiến bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

đục thủy tinh thể

Nguyên nhân dẫn đến đục thể thủy tinh ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi chính là nhóm đối tượng mắc đục thể thủy tinh nhiều nhất. Theo thống kê, tỷ lệ đục thể thủy tinh ở nhóm người từ 65 – 74 tuổi là 50%, tỷ lệ này tăng lên tới 70% ở những người trên 75 tuổi. Sau đây là những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ mắc căn bệnh này:

  • Lão hóa: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đục thể thủy tinh ở người già. Quá trình lão hóa của cơ thể khiến protein thể thủy tinh bị biến đổi làm thay đổi chiết suất của nó.
  • Qua thời gian, họ tiếp xúc với tia hồng ngoại và tia cực tím nhiều.
  • Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt khác như glocom, viêm màng bồ đào cũng cao hơn. Đây là những nguyên nhân gây đục thể thủy tinh thứ phát.
  • Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp; đái tháo đường dễ dẫn đến đục thể thủy tinh.
  • Một số loại thuốc điều trị bệnh của người cao tuổi cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thể thủy tinh.

Biểu hiện của đục thể thủy tinh

Đục thể thủy tinh thường diễn tiến từ từ và không gây đau đớn cho người bệnh. Nên ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện ra. Người bệnh thường chỉ để ý khi thị lực đã bắt đầu giảm. Sau đây là một số triệu chứng để nhận biết đục thể thủy tinh:

Giảm thị lực

Đây là triệu chứng điển hình của đục thể thủy tinh. Thị lực thường giảm từ từ và không kèm theo các triệu chứng đau nhức hoặc đỏ mắt. Mức độ giảm thị lực phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn của đục thể thủy tinh, nặng nhất có thể chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Giảm thị lực là một triệu chứng quan trọng giúp cho chẩn đoán bệnh.

thị lực ở người già

Rối loạn thị giác

Trong đục thể thủy tinh có nhiều loại rối loạn thị giác:

  • Lóa mắt: Đây là một triệu chứng thường gặp ở đục thể thủy tinh. Mức độ lóa mắt thay đổi tùy thuộc lượng ánh sáng chiếu vào. Triệu chứng này sẽ đặc biệt rõ ràng khi thể thủy tinh bị đục ở trung tâm.
  • Cận thị hóa: Sự phát triển của tình trạng xơ cứng nhân thể thủy tinh làm tăng công suất khúc xạ ánh sáng. Dẫn đến người bệnh bị cận thị nhẹ. Điều này khiến người bệnh lớn tuổi có thể nhìn gần rõ hơn mà không cần dùng kính lão nữa.
  • Song thị một mắt: Đây là hiện tượng người vật nhìn thấy một vật thành hai hay nhiều hình. Nguyên nhân là do biến đổi chiết suất khúc xạ giữa các vùng đục ít và vùng không đục của thể thủy tinh.

Thay đổi màu sắc đồng tử

Ta có thể nhìn thấy trên nền đen của đồng tử một màu trắng; nâu hoặc những chấm; đốm trắng tùy thuộc vào hình thái của đục thể thủy tinh. Giai đoạn nặng có thể dễ dàng nhận thấy khi nhìn bằng mắt thường. Trường hợp mới bắt đầu thì ta cần phải thăm khám kỹ bằng đèn khe thì mới phát hiện được. Ngoài ra còn có thể có triệu chứng ở các bộ phận khác của nhãn cầu như mống mắt, giác mạc, đồng tử,… Khi đục thể thủy tinh có biến chứng. Không phải trường hợp nào cũng có đầy đủ các triệu chứng của bệnh. Ta cần phải phân biệt giữa đục thể thủy tinh với tật khúc xạ, glocom; sẹo giác mạc và bệnh lý dịch kính.

Phương pháp điều trị

Đối với đục thể thủy tinh thể già, hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào có thể phòng tránh được bệnh. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý hoàn toàn có thể chữa được. Sau đây là những biện pháp điều trị đục thể thủy tinh:

Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc được dùng trong đục thể tinh thể giai đoạn sớm để làm chậm sự phát triển của bệnh khi chưa có chỉ định mổ. Tuy nhiên, hiệu quả của những thuốc này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Một số thuốc thường thấy trên lâm sàng là thuốc nhỏ mắt Vitreolent, Isopod, Cliden,… Ngoài ra người bệnh cũng có thể đeo kính để cải thiện thị lực. Do đục thể thủy tinh có làm thay đổi khúc xạ của bộ phận này.

đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi thị lực của người bệnh giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Và sự giảm thị lực không thể cải thiện với đeo kính nữa. Đây là phương pháp điều trị triệt để và giúp phục hồi thị lực gần như hoàn toàn. Mổ căn bệnh này gần như không gây đau và có thể phục hồi nhanh chóng chỉ trong một vài ngày. Có các kỹ thuật mổ sau:

  • Mổ lấy thể thủy tinh trong bao (ICCE).
  • Mổ lấy thể thủy tinh ngoài bao (ECCE).
  • Phẫu thuật tán thể thủy tinh.

Lời kết

Tóm lại, đục thể thủy tinh là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Nó gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào giúp điều trị đục thể thủy tinh thể già. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Hi vọng qua bài viết trên, chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ thêm về căn bệnh này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề gì, liên hệ với các trung tâm y tế hoặc các bệnh viện gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Cảm ơn các bạn đã đón đọc bài viết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *