Cách nấu mì Quảng - đặc sản của người miền trung
6 phút, 0 giây để đọc.

Ai đã một lần được đặt chân đến với Quảng Nam thì chắc hẳn không thể bỏ qua món mì quảng trứ danh tại đây, một món ăn bình dị, dân dã gây thương nhớ. Tuy nhiên nếu như bạn không có điều kiện hay thời gian để đến Quảng Nam nhưng vẫn muốn thưởng thức đúng chuẩn vị, không bị biến tấu qua các hàng quán bày bán ở nhiều nơi của đất nước, hay muốn một lần trổ tài chiêu đãi cả nhà món đặc sản này nhưng sợ khó nấu không đúng vị thì hãy thử ngay cách nấu mì quảng đúng chuẩn ngay tại nhà, sau khi đọc xong bài viết này.

Không tự nhiên mì Quảng trở thành đặc sản của mảnh đất bình dị này mà nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo giữa sợi mì dai mềm vàng óng với thịt gà thơm ngon, đậu phộng béo bùi và các loại rau thơm quyện trong nước sốt đậm đà sẵn sàng chinh phục khẩu vị của bất kì một thực khách khó tính nào. Đi kèm với món mì Quảng chính hiệu là bánh đa nướng giòn tan. Bạn hãy cùng chúng tôi thực hiện nấu mì Quảng vô cùng đơn giản sau đây.

Nguyên liệu để nấu mì Quảng 

  • Xương lợn: Xương lợn được dùng để ninh lấy nước dùng. Bạn nên chọn loại xương ống hoặc xương cục vì như vậy khi ninh nước sẽ ngọt và trong hơn. Bạn chuẩn bị khoảng 200 gram xương ống cho suất 4 người ăn là vừa đủ.
  • Thịt gà: Thịt gà nên chọn phần ức gà ta vì phần này có sụn, ăn sẽ có độ giòn và thơm hơn. Bạn chuẩn bị khoảng 300 gram ức gà cho món mì Quảng này.
  • Thịt ba chỉ: Thịt ba chỉ nên chọn phần có cả tầng nạc và mỡ xen kẽ nhau. Bạn chuẩn bị khoảng 150 gram thịt ba chỉ.
  • Mì Quảng: Tùy theo khẩu phần cũng như số lượng người ăn mà bạn chuẩn bị lượng mì Quảng cho phù hợp. Thông thường, bạn sẽ chuẩn bị khoảng 1 cân mì Quảng cho suất 4 người ăn.

Nguyên liệu để nấu mì Quảng 

  • Tôm tươi: Nên chọn loại tôm sú cỡ vừa (khoảng 1 ngón tay). Không nên chọn loại quá to vì như vậy rất dễ bị ngán và có thể không ăn hết do trong mì đã có rất nhiều các nguyên liệu khác.
  • Trứng cút: Với mỗi bát mì Quảng, bạn có thể chuẩn bị từ 1 – 2 quả trứng cút. Tuy nhiên thông thường bạn chỉ nên cho 1 quả để tránh bị ngán.
  • Bánh tráng nướng: Bánh tráng nướng dùng để ăn kèm cùng lúc với mì. Bạn chuẩn bị khoảng 1 – 2 cái bánh tráng nướng cỡ vừa.
  • Các loại nguyên liệu khác: Hành tây, bột nghệ, tỏi, hành tím, ớt bột.
  • Các loại gia vị cần có: muối, bột nêm, tiêu, nước mắm, dầu hào.

Thực hiện nấu mì Quảng thơm ngon

Bước 1: Tiến hành sơ chế các nguyên liệu

  • Mì quảng: Rửa sạch, trần qua nước đang sôi và để cho ráo nước.
  • Thịt gà (ức gà): Rửa sạch sau đó lọc riêng phần thịt và phần xương và để tách riêng. Thái phần thịt thành các miếng vừa ăn
  • Xương lợn: rửa sạch, trần qua nước sôi sau đó rửa lại một lần nữa.
  • Tôm tươi: Rửa sạch, bóc bỏ phần đất đen ở đầu, rút chỉ sống lưng. Để cho món ăn ngon mắt hơn, bạn có thể bỏ toàn bộ phần đầu, chỉ giữ lại phần mình và lột sạch vỏ tôm.
  • Thịt ba chỉ: Rửa sạch, thái thành miếng vừa ăn
  • Hành tây: Bóc vỏ, rửa sạch sau đó bổ múi cau
  • Hành, tỏi ta: Bóc vỏ, rửa sạch sau đó đập dập và băm nhỏ.

Tiến hành sơ chế các nguyên liệu

Bước 2: Nấu nước dùng mì

Cho khoảng 1 lít nước lọc vào nồi cùng với phần xương gà vừa lọc, xương lợn và hành tây sơ chế trước đó và đun sôi. Nêm nếm một chút bột nêm, bột ngọt cho thêm vị và tiếp tục ninh nhỏ lửa trong khoảng 20 phút.

Bước 3: chế biến các nguyên liệu khác

  • Ướp chung phần thịt gà và thịt lợn đã thái với hành, tỏi, bột nghệ và các loại gia vị khác sau đó trộn đều và để cho thịt ngấm trong khoảng 10 phút.
  • Trứng chim cút đem luộc chín rồi bóc vỏ, để riêng.
  • Đặt chảo lên bếp, bạn cho phần hành + tỏi băm vào phi thơm. Sau đó, bạn cho toàn bộ phần thịt gà và thịt lợn vào xào chín.
  • Sau khi phần thịt đã xào xong, bạn trút phần nước dùng (Bỏ lại xương) vào chảo cho đến khi ngập thịt. Cho tiếp tôm và trứng cút vào đun sôi trong khoảng 20 phút nữa.

Bước 4: Thành phẩm và thưởng thức món mì Quảng

Lấy một lượng mì Quảng vừa ăn cho vào tô. Tiếp đó bạn múc phần thịt gà, thịt lợn, tôm và trứng xếp lên bề mặt mì. Sau đó bạn trút phần nước dùng đã nấu trước đó xâm xấp mặt mì, không nên đổ tràn như món mì nấu ở miền Bắc. Mì Quảng sau khi dọn xong sẽ ăn kèm với bánh tráng nướng, đậu phộng và các loại rau thơm, rau gia vị như rau mùi, rau xà lách. Nếu bạn có thể ăn cay, bạn dùng ớt bột để rắc lên bát mì và trộn đều.

Thành phẩm và thưởng thức món mì Quảng

Một số lưu ý khi nấu Mì Quảng

  • Trong quá trình nấu nước dùng, bạn nên thường xuyên vớt lớp bọt nổi bên trên để nước dùng được trong, sau khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa để nước hầm xương ít tạo bọt hơn.
  • Cách nấu mì Quảng đúng chuẩn là ở bước nấu nước dùng, bạn chỉ cần đổ lượng nước vừa ngập mặt thịt, không nên nấu quá nhiều nước khiến nước dùng bị loãng mất đi vị ngọt từ thịt và xương.
  • Ngoài ra bạn có thể sử dụng màu từ dầu của hạt điều để tăng độ hấp dẫn của món mì
  • Người miền trung thường ăn rất cay, bởi thế nếu bạn không ăn được cay thì có thể cho ít ớt thôi nhé!
  • Nếu bạn không thích ăn rau sống, có thể trụng sơ rau qua nước sôi để ăn cùng với mì quảng vẫn rất ngon
  • Sợi mì sau khi trần nước sôi bạn có thể trộn với chút dầu ăn để sợi mì mềm ngon,; không bị dính, không được trụng quá lâu vì sẽ khiến cọng mì bị bở.
  • Bạn có thể chấm bánh tráng với nước lèo hoặc bẻ vụn và trộn chung vào tô mì cũng rất ngon.

Bạn thấy đấy chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã có ngay một tô mì ngon chuẩn vị. Bạn có thể áp dụng để làm ở nhà vào mỗi bữa sáng; hoặc dịp cuối tuần cho cả gia đình mà không cần phải tới tiệm. Chắc chắn, mọi người sẽ dành không ít lời khen dành cho bạn khi thưởng thức thành phẩm. Chúc bạn ngon miệng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *